Những bức thư không gửi

03/06/2020 04:56
Tôi quyết định lục ba lô lấy giấy bút ra viết thư, như đã hứa với Đệ trước lúc lên đường, mặc dù biết rằng không có hòm thư, mà cũng chẳng có bưu điên đâu mà gửi, vì phải tuyệt đối giữ bí mật nơi đóng quân. Đã biết không gửi được nhưng tôi cứ viết, viết để tâm sự và chia sẻ với bao nỗi nhớ thương của mình, tôi viết về sự vất vả gian khổ của đời lính. Thế là nét bút cứ hiện lên trên trang giấy nhỏ.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời - Lần 2")

***

Có một chiều tôi đang trèo lên cây sung hái quả bên bờ sông, mấy đứa nhỏ ở dưới đang tranh nhau chỉ trỏ, hái cho em chùm kia, chùm kia, thì Đệ đi qua. Đệ cũng ngả nón rồi ngước đôi mắt to đen láy nhìn tôi, tôi hái một chùm sung to rồi nói: "Cau đây, đấy có nhận không?" Đệ gật đầu, tôi thả chùm sung vào giữa cái nón mới của Đệ. Câu chuyện chỉ có thế, cứ tưởng Đệ cũng chỉ đùa với tôi cho vui. Nào ngờ! Vào một chiều đông, tôi đánh trâu sang làng Đệ, tranh thủ bừa nốt thửa ruộng phần trăm bên cánh đồng Bông, để mai còn kịp lên đường nhập ngũ. Buổi chiều bừa xong, tôi đánh trâu lững thững ra về, mới đến chỗ đường rẽ ở đầu làng thì đã gặp Đệ đứng bên gốc cây bàng đợi tôi, cũng vẫn đôi mắt to và đen láy, như để hút hồn người. Tôi giơ tay lên định nói, thôi chào tất cả mai xa rồi nhé, nhưng Đệ cũng đã giơ tay ngăn tôi lại, nhìn tôi và nói: "Ngày mai anh lên đường rồi, em chúc anh đi được chân cứng đá mềm, anh nhớ là, em vẫn chờ anh". Tôi nghe đến đây mà nóng ran cả người lên. Nếu không có cái ngày tôi phải đi xa chắc Đệ cũng chưa ngỏ lời, cũng giống như tôi chỉ âm thầm yêu Đệ mà thôi. Cho dù tôi cũng đã nhiều lần định ngỏ lời, nhưng để ý thấy quanh Đệ đã có những chàng trai, đến trồng cây si rồi. Nên tôi lại thôi. Thì ra Đệ đã mến tôi, mà sao tôi lại vô tâm đến thế! Để giờ nghe Đệ nói mà tôi đứng ngây cả người ra như trời trồng. Cứ đứng nhìn nhau, rồi mãi lâu sau mới nói được một câu chẳng ra đâu vào đâu cả: "Ừ, nhất định sẽ về mà! À mà tối nay Đệ có phải đến chơi nhà ai không? Hay sang bên anh nhé, hôm nay các đoàn thể sẽ đến chơi đông lắm". "Thế thì em không sang đâu! Đông người ngượng lắm! Thôi em chúc anh ra đi mạnh giỏi, cố giữ gìn sức khỏe, em ở nhà mong thư anh"- Đệ đáp lời. Đệ còn nói thêm: "Người ta đã nhận cau rồi đấy!" Con trâu bị đứng đã lâu cứ đánh sừng huých hoắc sang hai bên sườn như thúc giục đi đi, và tôi cũng phải ra về để chuẩn bị cho buổi tối chia tay với bạn bè, nên đành phải chào tạm biệt mà chia tay Đệ. Câu chuyện ở nhà đến đấy.

nhung-buc-thu-khong-gui

Vào bộ đội cứ nghĩ sau ba tháng huấn luyện tôi sẽ cố gắng để đạt được một số thành tích rồi sẽ viết thư về để báo tin vui cho Đệ. Nhưng chưa hết ba tháng huấn luyện thì đã được lệnh lên đường với cuộc hành quân đêm đi ngày nghỉ, tính ra đã đến hàng nghìn cây số mới đến được nơi tập kết. Cuộc chiến đấu thực sự cũng đã đến. Những chiếc L19 cứ lầm lỳ bay lượn trên đầu, chúng gắn loa phóng thanh cực lớn ra rả cả ngày trên không, luôn mồm kêu gọi quân giải phóng: "Hãy đầu hàng đi, hãy ra chiêu hồi, hãy quy thuận chính phủ quốc gia, chúng tôi biết các anh đang ở đâu rồi đấy, hãy mau mau đầu hàng khỏi bị tiêu diệt!" Còn những chiếc OV10 thì bay lượn xăm soi lùng sục, luôn phụt ra đằng sau hai vệt khói trắng, thấy nghi ngờ chỗ nào thì bắn vào đấy dai như đỉa, sợ nhất là khi chúng lượn vòng thả khói hình số 8 trên trời để báo tọa độ cho lũ máy bay B52 đến ném bom hủy diệt, đêm đến thì chúng bắn pháo sáng cả đêm. Cuộc chiến đấu thực sự khốc liệt đã đến.

Tôi tập kết trong một cánh rừng của đất Quảng Trị ẩn sâu trong những hàng cây đã bị bon đạn của giặc tàn phá, nhưng chỉ qua một mùa mưa nay đã xanh trở lại, cho dù những thân cây còn nham nhở đầy những vết thương. Nằm nghỉ trên chiếc võng đung đưa, những tia nắng xuyên qua kẽ lá cứ chập chờn như những cánh bướm chao lượn, sao lúc này tôi lại nhớ nhà đến thế, nhớ cả cái ánh mắt trong veo và sâu thẳm - Đệ của tôi. Tôi quyết định lục ba lô lấy giấy bút ra viết thư, như đã hứa với Đệ trước lúc lên đường, mặc dù biết rằng không có hòm thư, mà cũng chẳng có bưu điên đâu mà gửi, vì phải tuyệt đối giữ bí mật nơi đóng quân. Đã biết không gửi được nhưng tôi cứ viết, viết để tâm sự và chia sẻ với bao nỗi nhớ thương của mình, tôi viết về sự vất vả gian khổ của đời lính. Thế là nét bút cứ hiện lên trên trang giấy nhỏ.

Lá thư thứ nhất: "Em thương yêu, đã qua 5 tháng rồi anh mới cầm bút để biên thư cho em, anh cũng báo tin để em biết, anh vừa mới trải qua hơn một tháng hành quân ròng rã. Anh và đồng đội cứ đêm đêm phải mang vác 30 đến 40 kg trên vai và đi bộ từ 30 đến 35 km mới đến nơi nghỉ, đến nơi nghỉ rồi lại còn phải đào cho mình một cái công sự cá nhân. Có những hôm còn phải thức thông vì được phân công làm anh nuôi. Nay thì đã vào đến đến nơi tập kết rồi. Trong cuộc hành quân dài ngày gian khổ ấy, đã có nhiều đồng đội của anh phải gục ngã vì muỗi rừng, phải nằm lại ở những trạm lưu dung. Muỗi ở đây nhiều vô kể, nói vậy nhưng em đừng có lo. Anh vẫn nhớ lời em dặn trước lúc lên đường là cố gắng giữ gìn sức khỏe, không sốt rét chắc sẽ không sao. À mà ở trong này anh rất thích nghe đài hát bài "Từ ngày anh đi việc nhà em đảm đang"... Thôi, anh viết đến đây đã đến giờ phải đi lấy cơm rồi, đành hẹn em ngày trở về và được ôm em trong vòng tay của người lính, chào em nhé, thư sau anh sẽ viết nhiều hơn..."

Lá thứ hai: "Em thương yêu, thế là súng đã nổ, đơn vị anh được lệnh đi đánh địch khi nó nống ra càn quét. Ôm cây súng CKC nhắm vào trận địa địch mà sao tay cứ run run thế, bụng thì ngổn ngang với bao nhiêu ý nghĩ, cứ nghĩ là sau trận đánh này liệu mình có còn sống hay là đã chết, liệu có còn được lành lặn hay đã bị thương... Thật tình, trước giờ nổ súng đầu óc cứ mung lung, cho mãi đến khi được lệnh nổ súng mới lấy lại được tinh thần hăng hái, để mà nã súng bắn xối xả vào bọn địch, rồi xung phong lên, cho đến khi chiếm được toàn bộ trận địa, thì lại được lệnh phải rút nhanh. Thế là mạnh ai, người đó chạy, mà chạy thục mạng, vì lệnh trong vòng 15 phút phải chạy sao cách xa nơi trận địa mới đánh 2 km mới an toàn. Nên anh và cậu Uyên cứ bám vào nhau nhắm vào cánh rừng đại ngàn mà chạy tới, vào trong rứng rồi cứ đường mòn mà đi, trời đêm lại mịt mùng không có trăng sao, cho đến khi trời gần sáng mới lội qua con sông Bến Hải để về đất Bắc. Lúc đó mới có cơ hội nhìn lại mình. Anh thì lần đầu ra trận, chẳng biết sống chết thế nào, vì vậy lấy bộ quần áo mới nhất ra mặc nên không sao, còn cậu Uyên mặc bộ quần áo cũ, giờ nhìn lại chỉ còn có cái cạp, bởi phải chạy băng qua những đồi cỏ tranh và những vạt cây trinh nữ không rách mới là lạ. Hai anh em nghênh ngang vác súng ra khỏi cửa rừng thì... ôi thôi, gặp ngay bọn lính ngụy, chúng hỏi to: "Chúng mày đến chiêu hồi hả?" Thế là hai anh em quay lại cắm đầu mà chạy thục mạng. Chúng xả súng bắn theo, nhưng bọn anh cứ chạy cho tới khi vào đến rừng, núp được vào cái gốc cây to, cậu Uyên mới quay lại chửi chúng: "Chiêu hồi cái con ... con... c...c... bố đây này!" Thì ra tụi anh mất phương hướng, chạy không chạy ra Bắc mà lại chạy vào Nam, khi lội qua sông Hiếu Giang lại cứ nghĩ đó là sông Bến Hải. Giờ thì đã có ánh mặt trời lên, bọn anh cứ len lỏi trong rừng nhắm hướng Bắc mà đi, phải mất ba ngày đói ơi là đói, đói lả cỏ bợ, toàn uống nước suối trừ cơm mới về được đến đơn vị".

Lá thứ ba: "Em thân yêu, những tháng năm bằn bặt chẳng có tin nhà, nhưng lời dặn lúc chia tay anh vẫn nhớ như in, cái đôi mắt trong veo và đen nhánh vẫn cứ cùng anh đi vào từng trận đánh. Hôm nay, sau một trận sợ hãi đến kinh hồn hú vía, anh mới lại ngồi viết thư để chia sẻ cùng em. Đó là... công tác đi lấy xác đồng đội. Nguyên do là tổ trinh sát của đơn vị đi làm nhiệm vụ, họ gặp ngay phải tụi thám báo của địch phục kích, chúng nổ súng bắn chết mất ba chiến sỹ, nên đơn vị phải cử 6 người đi lấy xác, không ngờ lại sập bẫy của địch. Các anh ấy đã quan sát kỹ, không thấy địch phục mới chạy đến để bê xác đồng đội lên võng khiêng đi, nhưng ôi! chúng đã gài mìn dưới những xác chết ấy, thế là mìn nổ, pháo bầy cũng bắn dập đến, lại thêm 6 người nữa phải hy sinh. Sự việc cứ như thế, đơn vị chỉ còn biết dùng máy từ những quả đồi tận đằng xa mà nhìn, mãi cho đến khi các xác chết ấy thối rữa ra bọn địch cũng không sao chịu nổi cái mùi thối ấy, chúng đành cho máy bay bà già dùng loa phóng thanh nói: "Quân chính phủ quốc gia sẽ không gây khó dễ, yêu cầu quân Cộng sản vào nhặt xác anh em đồng đội của mình về". Lúc đó, anh mới được đơn vị cử đi, cứ hai người một võng, bọn anh bò vào, dùng dây dù buộc vào chân các xác chết rồi ra ngoài xa kéo, không thấy có gài mìn, mới vào đặt lên võng mà khiêng đi. Nhưng những cái xác đã thối rữa ấy nước cứ chảy dòng dòng, còn bọn anh hai người một, đặt được xác lên võng là khiêng chạy, lợi dụng những sườn đồi che khuất rồi tắt ngay vào con đường mòn trong rừng. Chỉ có người đi đầu tiên còn đỡ, còn từ người thứ hai đến người thứ mười tám thì... ôi thôi, những cành cây, lá cây quệt vào thây người đã thối rữa rồi bật ra quệt lại vào người đi sau. Đầu mặt, quần áo, không còn hở một chỗ nào, đâu đâu cũng đều có nước thối và thịt rữa, cứ như là mình đang lặn hụp trong cái đám thây người thối rữa ấy. Nhưng vai thì vẫn phải khiêng, còn chân thì vẫn phải chạy, chạy trong rừng đến bảy hay tám km gì đấy, mới tới được bờ sông Bến Hải. Ở đấy mới gặp được người của đơn vị ra đón và lấy túi vải nhựa cho xác vào bọc lại, còn bọn anh thì ai nấy lao ngay cả xuống dòng sông mà lặn hụp, áo mũ thì vứt ngay cho trôi sông... Còn chiếc quần phải vò đi vò lại để mặc, nhưng cũng không sao hết được mùi thối, nên cũng đành để cho nó trôi luôn ra biển, không dám giữ lại trên người một thứ gì nữa. Rồi cả đoàn cứ bông nhông như những người nguyên thủy cùng nhau hành quân về đơn vị. Hôm sau xuống tổ hậu cần mượn được chiếc tông đơ, thay nhau húi tóc đến trọc hết cả đầu, đến lúc này lại trông giống như đội quân của nhà chùa vậy."

nhung-buc-thu-khong-gui-1

Lá thứ tư: "Em thương yêu, anh cũng báo tin để em hay là anh đã được kết nạp vào Đảng và lại còn được lên chức trung đội phó nữa. Không biết đây là chuyện mừng hay là chuyện rủi, vì đã có không ít người được đề bạt làm tiểu đội trưởng thì cứ ngồi khóc dưng dức chỉ vì trách nhiệm Đảng viên mà phải nhận chức, nhận chức mà chỉ tồn tại được một trận đánh đã phải hy sinh. Anh không tin vào số phận nhưng chuyện may rủi thì có thật.

Có một hôm, anh đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn, mà theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh mặt trận phải bắt sống cho được mấy thằng Mỹ để trên khai thác lấy tài liệu. Mấy lần trước ta đã bắt được mấy thằng Mỹ, nhưng khi bộ đội rút khỏi trận địa ta giục bọn nó chạy thì chúng cứ dùng dằng vừa chạy vừa ngoái đầu lại xem có được cứu viện hay không, nên bộ đội ta đành xả súng bắn chết để dễ chạy thoát thân. Lấn này đánh phục kích ban chỉ huy đã cho đào nhiều hầm chữ A và đóng sẵn cọc ở dưới hầm, đến khi bắt được lính Mỹ thì trói chúng vào đấy, còn bộ đội sẽ rút khỏi trận địa, đợi đến khi nào bom đạn Mỹ ngừng hẳn thì ta mới quay lại xem còn thằng nào thì bắt giải đi. Giữa lúc anh đang hào hứng hăng say triển khai công việc thì vào khoảng 21 giờ, anh Đường trợ lý tác chiến tiểu đoàn đến và nói với anh: "Hiện nay địch đã lấn ra chiếm quả đồi 90, nơi tổ quan sát trận đánh của ta đặt ở đấy, lại áp sát phía sau trận địa.Lệnh của đồng chỉ Thạnh tiểu đoàn trưởng, tôi và đồng chí phải đánh lên quả đồi đó, chỉ được lấy thêm hai chiến sỹ thông tin và một máy bộ đàm 2w để liên lạc về đơn vị, còn lại anh em vẫn phải thực thi nhiệm vụ như đã được phân công". "Hai người chỉ với hai khẩu súng mà đánh vào nơi đông quân địch có cả xe tăng, xe bọc thép sao!" - một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, mình sẽ phải hy sinh để dành thắng lợi cho một trận đánh lớn, nên lần này ra đi anh có còn sống để gập lại em nữa không.Anh lại mới được kết nạp vào Đảng, danh hiệu Đảng viên đỏ chói, và cũng thương cho anh. Đường, người tỉnh Thừa Thiên Huế, bộ đội tập kết năm 1954 cũng đang yêu một cô giáo cập ba người con gái của người bố nuôi, nay cũng phải chấp hành nhiệm vụ, mong sao ở sự may rủi mà thôi. Anh và anh Đường cùng tiến sát đến chân đồi 90 thì đã 2 giờ sáng, nhìn lên trời một ánh sao băng vút qua, anh cũng bắt chước giơ tay làm dấu, để mong có sự cứu tinh nào đó.

Dấu hai cậu thông tin, Hân và Tín với cái máy bộ đàm ở bên cái hố cạnh bụi cây rồi cùng nhau tiến lên, cứ nhằm các bụi cây, những khóm mua đang trạt đầy hoa tím làm vật che khuất để bò tới. Bò mãi cho tới đỉnh đồi, ngó xuống sườn đồi bên kia cũng không thấy địch đâu cả, chỉ thấy ở dưới chân chỗ đang đứng ngổn ngang đầy những đồ hộp và thuốc lá, hai anh em bèn lượm chiếc dù pháo sáng gói lại đem về để liên hoan cùng anh em trong đơn vị. Thật là vất vả suốt một đêm trắng mà chẳng đạt được thành tích gì, về sau mới biết địch đã di chuyển chỗ đóng quân từ lúc 23 giờ đêm đến một địa điểm khác. Như vậy là bọn anh cũng lỡ mất một trận đánh phục kích lớn cùng đơn vị."

Lăn lộn vất vả trong chiến trường ngày tháng cứ qua nhanh, rồi tôi được ra Bắc để học bổ túc lớp sỹ quan 6 tháng ở Sơn Tây. Tôi quyết định không viết thư nữa để gây sự bất ngờ lớn cho Đệ và tôi cũng đem theo những bức thư không gửi được, để chứng minh cho cái tội thất tín của tôi,với bước chân hăm hở lên đường mong ngày gập mặt.

Rồi cái gì đến cũng đã đến, tôi được nghỉ phép về thăm nhà, họ hàng làng xóm đến chơi chật cứng cả nhà. Chào hỏi mọi người xong, tôi cứ ngó ngang ngó dọc để tìm, tìm một ánh mắt đen tròn và sâu thẳm đã theo tôi suốt tháng năm đi vào từng trận đánh, nàng còn e ngại sao?. Chiều tối nuốt vội vài bát cơm xong, tôi chạy bổ ngay sang làng bên để tìm đến nhà Đệ, nhưng khi đến nơi chỉ thấy hai cánh cổng đóng im ỉm. Tôi ngó ngược ngó xuôi, trong ngõ lúc đó vắng người chẳng có ai mà hỏi, vì mọi nhà giờ này chắc đang ăn cơm tối, cuối cùng tôi đành bẻ một cái cành cây nhỏ rồi lách qua cái hàng rào dâm bụt đang đỏ đầy hoa mà vào trong nhà. Bụng thì nghĩ cuộc gập bất ngờ này Dự sé hét kêu là ma cho mà xem. Nhưng ôi! Nhà đã bỏ không từ lâu, tôi đành quay ra về, cứ cầm cái ngọn cành cây mà quay quay theo vòng tròn để cố quên đi những kỷ niệm của đôi lứa, đi đến bên sông chỗ cây cầu xi măng mới xây, thất vọng và buồn chán, bèn ngồi lại bên thành cầu để nhớ lại. Cái cầu này hồi tôi ra đi nó chỉ là một chiếc cầu độc mộc bằng những cây tre nối với nhau. Đã có lần chúng tôi gặp nhau trên cầu không có chỗ tránh đành phải chơi trò dê trắng dê đen, giờ đây những kỷ niệm xa xưa cứ dồn dập mà tới. Tôi ngồi xuông bên thành cầu, thả hai chân xuống, bứt từng chiếc lá một,lá một mà thả xuống dòng nước rồi nhìn theo nó chầm chậm trôi xuôi, như muốn gửi cả tâm hồn mình vào đấy.

Tôi đang mơ mơ màng màng về những mộng đẹp xa xưa thì có tiếng hỏi: "Anh ngồi đây ư!" Tôi giật mình bừng tỉnh, ngẩng đầu lên nhìn thì ra là Mơ, người bạn cùng trang lứa với Đệ. "Ôi! Mơ đấy à? Mấy cháu rồi?", tôi hỏi. Mơ trả lời: "Em được hai ông tướng cướp. Cơm nước xong em định sang bên anh chơi thì gặp anh ở đây! À, mà anh đứng dậy em ngắm anh xem có sao không nào". Tôi đứng dậy vung tay, rồi chân phải đến chân trái đá gió. "Đây, Mơ xem đây, bộ giò này vẫn còn dùng tốt đấy chứ. Mà nay anh đã là sỹ quan rồi đấy nhé". Mơ nói theo: "Tốt tốt rồi, thế mà ai về cũng nói là anh đã chết rồi, có người còn nói ở vào cái nơi cối xay thịt ấy thì tìm được một mảnh thịt cũng còn khó chứ đừng nói gì sống mà trở về, người ta nói ở đấy chỉ xuất hiện một làn khói nhẹ như khói thuốc lá thôi thì bom và pháo bầy của tụi Mỹ cũng dọn sạch quả đồi ấy đất tơ ra như đất trồng đỗ vậy ".

Mơ nói tiếp: "Cứ mỗi lần có thương bệnh binh về là cái Đệ lại chạy đến hỏi thăm, mà lần nào họ cũng làm cho nó mắt cứ sưng húp nên, rồi cứ hết thở ngắn lại than dài. Cho đến hôm nó đi lấy chồng, nó mới nói với em rằng: "Tình yêu trong tao đã chết rồi, tao có lấy chồng chẳng qua cũng chỉ để làm nhiệm vụ của người phụ nữ mà thôi! Mà cũng sắp đến cái tuổi băm rồi còn gì!" Rồi nó đưa cho em cái túi bao thư và nói: "Cái này tao đem về nhà chồng không tiện, mày giữ hộ tao, nếu sau này có chuyện thần kỳ xảy ra, anh ấy lại trở về thì để anh ấy đọc!". Bây giờ thì em đưa lại cho anh". Tôi vội đón lấy túi thư và lấy ra xem thì... Ôi thôi, những tờ giấy pholuya đã ngả màu vàng và dính chặt vào với những chiếc phong bì. Mơ nói: "Thôi chết rồi, năm 1971 vỡ đê sông Hồng, nước lụt to quá chắc đã bị ẩm đấy". "Thôi được, dù sao tôi cũng phải cảm ơn Mơ đã giữ hộ từ bấy đến giờ", tôi nói.

Sau đó, tôi chào tạm biệt Mơ, cầm túi thư lững thững ra về mà lòng suy nghĩ ngổn ngang không biết giờ này Đệ đang ở đâu? Đệ có được hạnh phúc không?!

Đặng Văn Phú

BÀI TRƯỚC ĐÓ
BÀI KẾ TIẾP
Người chở gạch

Người chở gạch

Bao giờ cũng thế, tâm sự giữa ba và con trai luôn khó nói nhưng khi thấu hiểu thì lại bền lâu.