Ba đồng một mớ mộng mơ liệu có đáng?

03/06/2020 04:56
Cả tuổi thơ của tôi sống trong một khu ổ chuột tập hợp tạp nham đủ loại dân cư: có dân từ mạn ngược, có kẻ từ nông thôn, có người cô nhi quả phụ,... Tóm lại già trẻ, gái trai,... muốn tìm loại nào cũng có. Tựu trung lại họ đều nghèo, đói và nhếch nhác. Bố mẹ tôi làm đủ nghề cốt mong sao cho con thoát khỏi được cuộc sống tối tăm, song cầm tấm bằng của một trường đại học danh tiếng là không đủ để tôi tìm được một công việc trong xã hội vốn cần quan hệ, tiền tệ. Tôi gác tấm bằng theo nghề xe ôm của bố.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời - Lần 2")

Ngày đầu tiên tôi đến thành phố này cũng là ngày những bông tuyết đầu mùa chạm đất. Bầu trời xám xịt rải lên mái nhà san sát một lớp tuyết mỏng. Tôi bước chậm trên con đường đôi chỗ đóng băng. Rẽ qua một con ngõ, kéo sụp chiếc mũ len tôi rảo bước nhanh qua căn nhà số 07 sáng nhấp nháy đèn xanh đỏ dòng chữ "Công ty ông già Nô-en". Tôi giũ chân, bước qua bậc tam cấp. Căn nhà số 08 là nơi làm việc của tôi – Trụ sở Hội đồng bảo trợ trẻ em thế giới.

- Thật lố bịch.

Kim đặt cốc café xuống bàn, cô nàng duyên dáng gạt vài sợi tóc bạch kim loe hoe trước trán. Giọng càu nhàu, không quên ném ánh mắt khinh thường qua ô cửa sổ mờ sương đối diện căn nhà 07 đang xập xình âm thanh giáng sinh.

ba-dong-mot-mo-mong-mo

- Khủng hoảng kinh tế lớn tới vậy mà hội đồng vẫn phải chi ra một mớ tiền để cung cấp cho cái công ty đó hoạt động. Hoạt động gì chứ? Làm mấy món quà linh tinh cho bọn trẻ khắp thế giới. Tiền đó chúng ta có thể cứu trợ cho trẻ em vùng thiên tai, vùng chiến có phải tốt hơn không?

Tôi gật đầu. Tựa mình vào chiếc ghế dài,điếu thuốc trên môi lập lòe cháy, tôi lặng nhìn những quận khói thuốc lơ lửng loãng dần cuối cùng tan vào không gian. Hơi ni-cô-tin đầy tràn trong buồng phổi, đưa thẳng tới đại não tạo cảm giác hưng phấn, tạo một lớp sương mờ trong kí ức.

Cả tuổi thơ của tôi sống trong một khu ổ chuột tập hợp tạp nham đủ loại dân cư: có dân từ mạn ngược, có kẻ từ nông thôn, có người cô nhi quả phụ,... Tóm lại già trẻ, gái trai,... muốn tìm loại nào cũng có. Tựu trung lại họ đều nghèo, đói và nhếch nhác. Bố mẹ tôi làm đủ nghề cốt mong sao cho con thoát khỏi được cuộc sống tối tăm, song cầm tấm bằng của một trường đại học danh tiếng là không đủ để tôi tìm được một công việc trong xã hội vốn cần quan hệ, tiền tệ. Tôi gác tấm bằng theo nghề xe ôm của bố.

Gió về mang theo cái lạnh mùa đông ném tuyết vung vãi khắp nơi. Lớp tuyết ngày càng dày, chẳng mấy chốc màu trắng đã bao trùm toàn thành phố. Ở nhà thờ nào đó vang tiếng leng keng chuông đổ, thành thị xa hoa khoác chiếc áo mới rực rỡ về đêm dệt từ đèn đường, bảng hiệu xanh đỏ nơi nhà hàng, quán xá,... Tôi thúc bàn tay đã tê cứng vào áo khoác. Hôm nay là một ngày vắng khách. Tôi lơ đãng liếc nhìn những hình nộm ông già Nô-en cười toe toét, những tấm bảng hiệu "Giáng sinh an lành" treo đầy trên đường phố. Giáng sinh là gì nhỉ? Tôi tự hỏi. Một thời, giáng sinh đối với tôi là những ngày đói, là những đêm 24 bố về với hai túi trống không vì vắng khách. Người ta còn bận vui chơi, còn bận sưởi ấm bên lò sưởi và háo hức mở từng đôi bít tất để bật reo sung sướng lúc thấy những món quà. "Hôm nay lại đói", tôi nghĩ trong bụng, lặng lẽ dắt xe về. Rẽ vào con ngõ nhỏ, mùi nước cống, rác thải xộc thẳng vào mũi, bóng tối nuốt chửng trải dài tít đến cuối con ngõ thăm thẳm, dường như ánh sáng của con đường quốc lộ bên ngoài là một thế giới hoàng toàn khác.

- Em mời anh xem ạ.

Một bóng người lướt qua nhét vào tay tôi một tờ rơi. Thường thì tôi sẽ vứt bỏ bởi toàn quảng cáo linh tinh hoặc giả tôi cũng đâu có tiền để mua. Lần này như một sự tình cờ tôi lướt ngang.

"Thư mời

Bạn có biết? Những món quà giáng sinh được ban phát trên khắp thế giới được sản xuất bởi một công ty và quản lý công ty đó chính là chúng tôi: Hội đồng Bảo trợ trẻ em thế giới – ban quản lý quà trẻ em.

Cơ hội này là ngẫu nhiên 10000 người may mắn bạn mới được nhận..."

Tôi nghiền ngẫm bức thư một lát. Gập tờ rơi và chiếc vé tàu vào túi, tôi quyết định sẽ đi. Không phải bởi tò mò về cái sự thật của một truyền thuyết, đơn giản hơn, số tiền lương dài 8 số 0 mỗi tháng chính nguyên nhân tôi có mặt trên một chuyến tàu không có trên giấy tờ. Nhiều người khi đọc được tờ rơi đó có thể nghĩ nó thật ngớ ngẩn hay trò chơi khăm của những kẻ thừa thời gian. Tôi tin hay nói đúng hơn tôi không có gì để mất, tôi cần tiền và đây là một cơ hội.

Đầu tàu bốc hơi nước nghi ngút thúc bánh xe lao băng băng qua thành thị, qua cánh đồng bát ngát, cuối cùng trập trùng qua những đỉnh núi tuyết. Đặt chân xuống xứ sở mới, Thành phố Mộng mơ lúp xúp những căn nhà hình nấm là nơi ở của chú lùn, nổi bật lên hai căn nhà số 07 và 08. Nếu nhà 07 rực rỡ với màu sắc, âm nhạc thì nhà 08 như lẫn vào bầu trời xám xịt bằng màu sơn trắng với dòng chữ đen khắc cứng cáp "Trụ sở hội đồng Bảo trợ trẻ em thế giới". Nhìn sự đối lập, tôi biết nhà 08 đã chọn đúng người.

- Theo tôi đã thống kê...

Kim đặt một sấp tài liệu lên trên bàn. Cô tiếp:

- Đây là giấy xin kinh phí của công ty Nô-en. Số tiền gấp 3 lần so với năm ngoái và hơn chục lần so với 5 năm trước. Bởi vì sao?

Kim khoanh tay, nét cười khinh bỉ hiện lên ngấm ngầm trên gương mặt của cô.

- Trẻ con, đặc biệt là bọn trẻ con thành phố ngày càng quá quắt. Nếu trước kia chúng gửi thư về nhà 07 mong tặng một món quà là con rối gỗ, chiếc gậy bóng chày,... thì giờ là những bộ sưu tập đến hàng triệu, chiếc xe đạp hàng hiệu,... Nói chung, nhu cầu của chúng giờ đã vượt quá khả năng cung cấp tiền của hội đồng.

- Ý của cô là...

Kim gật đầu nói tiếp:

- Dùng cách này để đình chỉ công ty Nô-en. Cầu vượt quá cung, cung không đủ đáp ứng cầu liệu có nên đóng cửa không nhỉ?

Tôi bật ngón tay cái. Nhà số 08 thuộc nhà quản lý nên tập hợp tất cả thành phần với cái đầu lạnh. Họ suy nghĩ đến những vấn đề bức thiết, thực tế. Họ chính những nhà đầu tư tài ba với trăn trở làm sao để số tiền đó giúp được nhiều trẻ em nhất. Ba đồng một mớ mộng mơ, đối với việc vung tiền duy trì công ty sản xuất, vận chuyển quà – những món sa sỉ thật phung phí? Đó là suy nghĩ chung của đội chúng tôi từ tổng giám đốc đến những nhân viên như tôi và Kim.

- Giám đốc đã tin tưởng anh giao cho anh nhiệm vụ hủy bỏ công ty đó với vai trò thanh tra.

Kim búng tay như thể vừa đuổi đi một con ruồi. Cô mỉm nụ cười xinh đẹp. Tôi gật đầu đáp lại, đưa tay vuốt cho tà áo phẳng phiu. Mắt vô thức nhìn xuống thảm đỏ trải từ sân chạy qua bậc tam cấp đi qua những chậu thông trang trí rực rỡ. Hai bên những chú lùn quần áo xanh chỉnh tề, đầu lúc lắc chiếc mũ len có quả bông nhỏ. Các chú chỉ cao tầm đến bụng tôi song đừng coi thường họ. Từ chính những bàn tay đó, những món quà xinh xắn được thành hình, đóng gói và gửi đi khắp thế giới.

Ông già Nô-en bước tới, râu tóc bạc phơ, nụ cười hồn hậu:
- Chào ngài thanh tra.

Bàn tay to bè của ông giơ trước mặt tôi. Tôi hờ hững siết nhẹ, gật đầu coi như một câu chào.

- Chắc cậu cũng biết tôi tên Van. Van ở đây là van thôi không phải xe tải đâu nhé.

Van bật cười hào sảng. Ông tiếp:

- Tôi chẳng hiểu tên của tôi có liên hệ gì với chữ Nô-en mà người ta cứ gọi tên như thế.

Mặc những câu đùa của ông, mặt tôi vẫn lạnh tanh. Bước sóng đôi qua mấy hành lang chúng tôi đến phòng đầu tiên – phòng nhận thư. Tất cả những bức thư gửi tới ông già áo đỏ trên khắp thế giới đều được tập trung ở đây, phân loại và thống kê. Trên bàn, trên tủ, từng xấp giấy cao tới tận trần nhà. Dưới mặt đất, khắp nơi bày la liệt những giấy, những thư đủ kiểu chữ, ngôn ngữ. Tôi chau mày. Ông Van cười khà khà bảo:

- Đó là điều tất yếu khi một căn phòng chứa giấy của cả thế giới.

Tôi bước tới xem qua bản thống kê, môi bất giác cong thành một nụ cười. Đúng như Kim tìm hiểu, 1/3 số thư là những món quà không thể đáp ứng. Tôi tiện tay với một phong thư đã được xếp vào thùng.

"Ông già Nô – en thân mến!

Cháu tên Ly Ly. Cháu là một đứa trẻ ngoan. Vì cháu ở nhà trông em, nấu cơm và quét nhà. Nhà cháu ở ngoại ô thành phố. Năm ngoái cháu nhận được một túi kẹo chip chip, cháu vui lắm nhưng năm nay cháu không mong ông tặng cháu kẹo nữa. Cháu mong ông tặng cháu sức khỏe của ông. Ông cháu bị bệnh nặng lắm. Nhìn ông nằm khò khè thở, cháu buồn.
Ông già Nô –en giúp cháu nhé!

Cháu cảm ơn."

Một tiếng thở dài buông nhẹ. Ông già Van cúi đầu nhỏ giọng thì thầm:

- Giá như ta có thật nhiều phép thuật chứ không phải chỉ là ông già đi phát quà, giám đốc của một công ty chuyển phát thế giới.

Có một đứa trẻ ngơ ngác chạy lon ton bám váy mẹ hỏi:

- Mẹ ơi, ngoài kia sao người ta răng đèn kết hoa, lại có những ông bụt đỏ thế hả mẹ?

- Đó là ngày Chúa ra đời người ta gọi Nô – en đó con.
Mẹ vẫn cặm cụi ủi phẳng từng bộ quần áo, xếp gọn lại cho khách. Cậu bé ngây thơ hỏi:

- Nô – en có cái gì thế hả mẹ?

- Có gà tây, có cây thông trang trí, có quà tặng của ông già Nô - en nữa.

- Con muốn quà mẹ ơi.

Đứa trẻ reo lên. Người mẹ bận rộn với công việc, gật đầu lấy lệ. Nên nó tự dò la qua vài đứa bạn biết phải viết thư gửi mong muốn cho ông già Nô – en. Nếu là đứa trẻ ngoan sẽ được nhận quà. Nó cặm cụi viết bỏ vào hòm thư rồi ù té chạy vào căn phòng cuối nhà.

Đẩy cánh cửa đã long bản lề, cậu bé khẽ gọi:

- Ông!

Cậu sà vào lòng người ông có đôi mắt trũng sâu đã lờ đờ vì tuổi già vẫn sáng tia yêu thương. Cậu khoe:

- Ông ơi, cháu vừa gửi thư cho ông già Nô – en, cháu không xin kẹo bánh hay đồ chơi đâu. Cháu xin sức khỏe cho ông đấy. Cháu có phải đứa bé ngoan không hả ông?

Người ông mỉm cười, đôi tay gầy gò đầy đồi mồi run run vuốt mái tóc rối bù của đứa cháu, hiền hậu đáp:

- Ngoan.

---

Tôi nghe cay cay sống mũi. Chợt nhận ra cương vị của mình chính thanh tra và nhiệm vụ của mình là gì? Tôi luống cuống bỏ phong thư vào thùng cố che đi chút cảm xúc xáo động. Tôi hí hoáy viết vào cuốn sổ nhớ.

- Tuy không thể giúp gì cho những đứa trẻ ấy nhưng tôi vẫn trân trọng cất giữ bức thư của chúng, đó là sự trải lòng hơn là sự vòi vĩnh trẻ con.

Ông nói bâng quơ. Sau một khoảng lặng thật dài, chính ông lại là người phá tan sự im lặng:

- Mái tóc của bà Eileen nhà tôi bốc hỏa vì trong tủ bếp của bà ấy giờ cũng bị chưng dụng thành nơi cất thư. Nhiều quá mà tôi không nhớ đã bao năm tôi làm cái nghề này nữa.

Ông Van nhún vai, dẫn tôi đi tiếp. Tiếng búa, tiếng cưa hòa vào tiếng chuyển động răng rắc của những bánh răng khủng lồ. Xưởng chính mở ra rộng rãi, mỗi góc tập hợp một nhóm người lùn hăng say làm việc. Góc mộc xếp đầy những đống gỗ, bán thành phẩm. Mặc cho bụi gỗ, mùn cưa vung vãi, từ những đôi bàn tay khéo léo, những khối gỗ vô tri dần hóa hình: chiếc gậy bóng chày, tượng gỗ,... Bên kia vài chú lùn tỉ mẩn dùng chiếc kẹp nhỏ đính từng viên đá óng ánh lên bộ váy của nhỏ búp bê. Tiếng quai búa chan chát ở góc căn phòng dội lại từ một chú lùn cởi trần lộ ra từng bó cơ cuồn cuộn đang mạnh mẽ giáng từng nhát búa xuống đe lửa đỏ rực. Bên cạnh, vài đồng sự lấm len dầu mỡ loay hoay lắp ráp linh kiện dần thành hình một khung xe đạp mini. Tôi bước lại, cầm lên chú mèo máy Đô- rê – mon.

---

- Tránh ra để bọn tao đi gửi thư cho ông già Nô – en.

Tụi trẻ con nhao nhao bực tức. Đứng đối diện là một đứa bé trai mặt mũi lạnh tanh tựa lưng vào bờ rào, cười nhếch môi:

- Ông ta chỉ là thứ tưởng tượng rẻ tiền của người lớn để mua được sự ngoan ngoãn của chúng mày thôi.

Một cô bé tóc bím, mặt mũi đỏ gay tức giận nói:

- Cậu không được nói vậy! Năm ngoái ông già Nô – en gửi tặng tớ một con gấu bông.

- Kệ nó đi nó có ngoan đâu mà đòi được quà.

Cậu nhóc bên cạnh phụ họa. Cả bọn nhao nhao ném ánh mắt khinh thường vào cậu bé rồi bỏ đi. Còn đứa bé nọ đứng cô độc, có gì ươn ướt chảy trên má, nó gạt đi. Ông nội luôn bảo nó ngoan chắc chắn nó là đứa bé ngoan. Vậy tại sao ông già áo đỏ không ban sức khỏe cho nội để nội đi theo bước đức Chúa? Nó lặng lẽ bước.

Nó dừng lại nơi cửa hàng. Qua cánh cửa thủy tinh, một thế giới đồ chơi lung linh hiện ra. Nó chú ý tới chú mèo máy bông. Nó vẫn hay ngồi nghe lỏm những câu truyện của các cậu ấm, cô chiêu về một chú mèo máy đến từ thế kỉ 21 có phép thuật thần kì. Kia chính là chú. Có suy nghĩ lóe lên "giá như ông già Nô – en sẽ tặng mình món quà này vào giáng sinh thì tuyệt biết bao". Nó bất giác mỉm cười.

Khối bông xanh như thỏi nam châm hút ánh mắt của nó đến nỗi khi đụng vào ai đó, nó mới giật mình xin lỗi, luống cuống định đỡ cậu bé kia dậy. Nhưng một âm thanh nhừa nhựa cất lên tru tréo:

- Đừng động vào người tao.

Cậu bé kia lồm cồm bò dậy. Có vẻ như thân hình phì lộm của cậu phải nặng nề lắm mới khiến cậu ta khó khăn khi đứng lên tới vậy. Cậu bé phủi phủi bụi trên bộ quần áo hàng hiệu. Vẫn giọng nhừa nhựa khinh đời đó, cậu mỉa:
- Mày vừa nghèo vừa bẩn động vào người tao chắc phải tắm chục lần mới sạch nữa.

Rồi cậu chàng hất mặt về chú mèo bông bảo:

- Thích cái kia đúng không? Không có tiền mua đúng không? Chắc lại định gửi thư đòi ông già Nô – en à?

Bị nói trúng tim đen, nó ú ớ. Trong xã hội này giàu nghèo là hai đẳng cấp hoàn toàn khác biệt. Cậu bé mập mạp cười đắc chí:

- Ông già Nô – en đó không phải như chúng bay nghĩ đâu. Nói thẳng ra cũng chỉ là một công ty chuyển phát do những người giàu như bố mẹ tao cung cấp tiền. Nên tụi mày phải biết ơn bọn tao nghe chưa?

- Ron con đã chọn đồ xong chưa?

Một mệnh bà phu nhân dáng bộ tao nhã kéo tay cậu bé kia, tuy hành động như vô tình nhưng nó thừa biết bà ta sợ con trai bảo bối của mình sẽ lây cái dơ bẩn của nó.

- Con muốn lấy con mèo máy kia!

Ôm con mèo máy trong tay đi lướt qua nó, Ron ngẩng mặt đầy ngạo nghễ như thể vừa chiến thắng một cuộc đua vinh quang. Có một niềm tin gì đó mong manh chợt vỡ...

---

ba-dong-mot-mo-mong-mo-1

- Tôi nghĩ nó đang đau đấy cậu thanh tra ạ.

Ông Van nhẹ nhắc. Bất giác tôi mới nhận ra bàn tay mình siết chú mèo đã trắng bệch. Tôi thở dài buông tay. Mở quyển sổ nhớ, tôi loạt soạt ghi "sản phẩm kém chất lượng".

Tiếng chuông điện thoại đinh đông, ông Van nhấc máy. Ậm ừ một lúc, ông cúp máy.

- Ngại quá bà nhà tôi cứ lo tôi quên không uống thuốc...

Chưa nói dứt câu ông ho khù khụ. Tôi định tiến đến ông đã khoác tay.

- Không sao, tôi già rồi bệnh nhiều: máu nhiễm mỡ, béo phì,... Nói chung bệnh người già í mà. Chẳng biết làm nghề được thêm bao năm nữa? Rồi ai sẽ nối bước tôi?

Tôi ngập ngừng, cố lục lọi trong óc một câu gì đó tử tế mà lâu lắm tôi không dùng để ủi an một tâm hồn nhiệt thành với công việc như thế. Tôi lùi về sau một bước, đây là thói quen mỗi khi bối rối. Hẫng một cái, tôi thấy mình nhẹ bẫng. Tôi chợt nhớ mỗi góc xưởng đều có hai miệng tròn đánh số 1 và 2. Không biết từ bao giờ tôi đã lui tới sát miệng tròn. Tôi lăn xuống. Trượt theo đường ống dài trơn nhẵn, cảm giác như chơi cầu trượt tốc độ cao. Lúc bước xuống đất đầu óc tôi đã quay quay. Cánh cửa bật mở. Ông Van hốt hoảng chạy vào thấy tôi bình an ông mới thở phào:

- May mà ngài thanh tra rơi vào đường dẫn xuống khu đóng gói chứ không phải đường dẫn xuống hố rác thải.

Tôi vuốt lại tấm áo đã vài chỗ nhăn nhúm, tự trách mình sao bất cẩn, mặt mũi thanh tra còn đâu nữa.

Nhận thấy được nét mất tự nhiên nơi tôi, ông Van hiểu ý bảo:

- Xin mời ngài đến nơi quan trọng nhất của công ty chúng tôi, khu Tinh Cầu.

Khu Tinh Cầu là một căn phòng mái vòm. Xung quanh hàng loạt giàn máy tính với vô số các phím và cần gạt. Ở giữa phòng là một quả cầu trong suốt to khủng bố.

- Đừng bất ngờ nhé.

Vừa nói xong ông Van ấn nút nguồn đỏ. Ngay lập tức giàn máy tính khởi động, tiếng răng rắc vang lên. Quả cầu thủy tinh cũng mờ ảo sáng lên dần nưng kết thành một tấm gương trong đó vô số trẻ em đủ màu da, trang phục đang ngồi bên lò sưởi, đang làm lụng trên nương,... Tất cả đều nở nụ cười hồn hậu, các em nói bằng nhiều thứ tiếng, có ngôn ngữ tôi hiểu, có thứ tiếng tôi mập mờ, cũng có loại tôi chưa hề nghe tới song tôi biết tất cả các em đang mong chờ Quà của ông già Nô – en. Đó không đơn giản là một món quà, cũng không hẳn là sự vòi vĩnh của tụi trẻ con, hơn thế, đó là truyền thống ngàn đời, sợi giây nối kết một thời cha mẹ ông bà với con cháu, một sự đánh dấu vẹn tròn cho một năm, một thứ gì đó để mong chờ, để phấn đấu sống đẹp hơn. Trăm đôi mắt trong sáng như pha lê không vương chút bụi trần đang nhìn tôi ánh tia vui cười. Vậy mà tôi đã đang xóa trắng đi niềm vui trong trăm đôi mắt ấy. Cuộc sống đói khổ cướp đi những gì gọi là mộng mơ, cho tôi nhìn đời bằng đôi mắt thực tế đến lãnh đạm, đến méo mó tuổi thơ khuyết thiếu thành sự ích kỉ, bắt tất cả nếm trải một chút gì đó của mình.

Ba đồng một mớ mộng mơ, liệu có đáng?
Đáng chứ. Đôi khi tinh thần thật vô giá.

Tôi nghe đầu đau nhức như muốn nổ tung. Căn nhà số 08 chập chờn. Đó là nơi hội tụ của những con người máu lạnh, họ sống bằng trí óc và một trái tim nguội lạnh. Phải chăng họ cảm nhận được sự sắt đá nơi tôi nên thư mời mới đến tay. Không! Tôi phải chạy trốn, tôi phải thoát khỏi đây. Tôi quay nhìn ông Van, tay siết chặt lấy tay ông, nhìn thẳng vào mắt ông ánh nhìn đau đáu:

- Ông già Nô – en, cháu yêu ông. Hãy đem lại những mùa giáng sinh an lành cho bọn trẻ.

Ông gật đầu kiên định. Tôi gạt đi nước mắt lâu lắm rồi mới tuôn chảy. Tôi vẫn còn nước mắt, tôi vẫn rơi nước mắt. Tôi vẫn biết yêu thương. Tôi quay bước, ông Van gọi giật:

- Khoan đi đã Trung!

Cách xưng hô thân mật đã lâu lắm tôi chưa nghe. Ở đây chỉ có cấp trên cấp dưới, mọi thước đo bằng vị trí xã hội ít ai dùng tên để gọi đáp một người trừ khi đó là người một nhà. Ông rút trong túi một xấp thư đã ố vàng nhưng vẫn phẳng phiu đủ để biết người nhận bảo quản cẩn thận đến mức nào.

- Từ bức thư đầu tiên Trung gửi cho ông. Ông biết con cần một người nào đó để tâm sự, chia sẻ những điều mà người lớn không thể hiểu. Ông luôn lắng nghe không ở cương vị một người nào đó mơ hồ trong truyền thuyết. Đơn giản ông là một người bạn lớn tuổi. Hãy cầm lấy những bức thư này dù có đắng cay hay hạnh phúc, đó cũng là một phần của con. Hãy trân trọng nó. Ông xin lỗi vì chỉ là một người đọc câm.

Căn phòng sáng lập lòe bởi ngọn nến đang nhảy múa liên tiếp rơi rớt những giọt sáp nến xuống chiếc bàn cũ. Lưỡi lửa quấn sạch những trang giấy ở sổ nhớ ghi đủ những hạn chế đủ khiến công ty ông già Nô – en đóng cửa. Tôi nghe lòng thanh thản. Cánh cửa bị gió bật tung mang theo tiếng giày gấp gáp của Kim và những người trước đã là cộng sự của tôi. Họ đến để cứu những trang hy vọng cuối cùng của mình. Tôi sờ vào túi xấp thư đến từ cùng một địa chỉ và một chiếc vé tàu tốc hành một chiều. Giờ tôi phải làm sao mới trở về được? Tiếng bước chân càng gấp gáp tiến gần. Cửa vẫn mở, gió vẫn thổi, tuyết vẫn rơi và sáp nến vẫn chảy dài thành giọt xuống chiếc bàn gỗ. Còn tôi vẫn một mình loay hoay tìm cách thoát khỏi xứ sở xa lạ này.

Nguyễn Đức Nghị

BÀI TRƯỚC ĐÓ
Lũ chuột

Lũ chuột

Nàng tỉnh giấc, giữa đêm, bởi lũ chuột. Trong căn phòng nhỏ, nhìn quanh, đồ đạc chẳng có gì nhiều, ngoài sách. Thế mà đêm nào lũ chuột cũng tới phá. Có khi, chúng chẳng quan tâm tới sự tồn tại của nàng. Có khi, chúng chẳng biết tới sự tồn tại của nàng. Có khi, chúng chỉ đang cố làm tốt công việc của mình mà thôi. Sau rốt, thì ai cũng cố gắng làm tốt công việc của mình.
BÀI KẾ TIẾP